Saturday, 20/04/2024 - 21:48|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hạ Hòa

Những người thầy không có kỳ nghỉ hè

Nhưng vẫn có những người thầy giáo, cô giáo dù xa gia đình hàng trăm cây số, được nghỉ hè vẫn không về nhà bởi nỗi niềm canh cánh dạy kỹ năng sống cho học sinh miền núi. Lẽ đơn giản, với tình yêu thương học trò vô bờ bến, các thầy cô giáo ấy chấp nhận gian khó, nhận phần vất vả về mình để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh…

 GD&TĐ - Mùa hè là mùa của nghỉ ngơi, là mùa các thầy cô giáo lên kế hoạch ở bên gia đình… 

Nhưng vẫn có những người thầy giáo, cô giáo dù xa gia đình hàng trăm cây số, được nghỉ hè vẫn không về nhà bởi nỗi niềm canh cánh dạy kỹ năng sống cho học sinh miền núi. Lẽ đơn giản, với tình yêu thương học trò vô bờ bến, các thầy cô giáo ấy chấp nhận gian khó, nhận phần vất vả về mình để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh…

Nếu chỉ là bản năng, khó thành công dân tốt!

“Mẹ ơi, con thích ở với bố mẹ cơ”. Đó là câu nói của con gái mà mỗi lần nhớ con, cô Phùng Thị Huyền - giáo viên Trường Mầm non Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên), như xát muối vào tim.

Sinh năm 1990, tuổi đời còn khá trẻ, nhưng cô Huyền đã gắn bó với Trường Mầm non Huổi Lếch được gần 6 năm. Quê ở Phú Thọ, cách Điện Biên hàng trăm cây số, con gái còn nhỏ phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc, cô Huyền được nghỉ hè vẫn không về nhà, bởi, học sinh miền núi còn thiếu nhiều kỹ năng sống.

Cô Huyền chia sẻ: Thời điểm đi học, không có thời gian nào để dạy các em bởi ban ngày các em phải học văn hóa theo chương trình. Buổi tối, nhà các em cách nhau mấy cây số đường rừng núi, đi lại rất khó khăn và không có điện nên nghỉ hè các thầy cô trong trường thay nhau dạy thêm kỹ năng sống cho các em đỡ thiệt thòi.

Hỏi nhỏ cô Huyền rằng ở trường mầm non, độ tuổi còn nhỏ thì dạy các em những gì? Cô Huyền cười: Tuổi càng nhỏ càng phải dạy nhiều kỹ năng. Từ việc ăn uống vệ sinh đúng cách, việc tự lập khi có một mình và việc tự tin học những bài hát múa, tập thể thao nâng cao sức khỏe phòng bệnh... cũng là những “môn học” được các thầy cô tự lên giáo án hướng dẫn các em.

Đó là những chi tiết nhỏ thôi, nhưng nếu không được hướng dẫn, dạy dỗ thì các em không thể có nền nếp tốt. Nếu mọi hành động chỉ xảy ra nhờ bản năng thì các em khó có thể trở thành người công dân tốt mai sau.

Nhìn những học sinh còn non nớt chỉ 4, 5 tuổi đã biết biểu diễn trên sân khấu, những học trò còn ngây ngô nhưng biết tự đi dép, đội mũ, xúc cơm khiến các thầy cô ai cũng ấm lòng. Nụ cười trong trẻo ánh lên trong đôi mắt của các em là động lực giúp các cô vượt qua nỗi nhớ nhà và có mùa hè ý nghĩa cùng bà con dân bản.

Mở lớp dạy trò vượt đường rừng!

Bên bao mái đầu xanh tuổi trẻ là người thầy tóc đã điểm bạc, sự điềm đạm và cảm xúc mỗi khi nhắc đến tên từng học trò khiến đôi mắt lại đỏ hoe. Đó là thầy Lò Văn Xuân – giáo viên Trường Tiểu học Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La).

Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng qua lời kể của thầy Xuân trở nên “đẹp” hơn bởi trên 30 năm công tác tại trường, thầy đều vượt qua hết.

Thầy Xuân luôn canh cánh một điều, người lớn còn khó vượt dốc núi cao thì học sinh làm sao đi được. Không lẽ lúc nào các em cũng có người trông coi, bởi người dân miền núi còn vất vả, họ lo cho bữa cơm, tránh đói nhiều hơn là việc học chữ, học kỹ năng sống. Thế là người giáo già ấy mở lớp học hè dạy kỹ năng đi đường rừng cho học trò miền núi.

Đã gần đến tuổi nghỉ hưu nên thầy Xuân càng muốn “cống hiến” mùa hè cho học sinh của mình. Không ngờ, lớp của thầy khá đông học sinh đến học. Không những thế, nhiều phụ huynh đồng tình cũng đến học cùng con. Thầy Xuân chỉ dạy tiểu học, nhưng anh, chị của học sinh, nhiều em đã học lớp 8, lớp 9 vẫn xin đến học.

Tuần hai buổi đều đặn, thầy dạy cho các em tỉ mỉ cách vượt núi, kỹ năng cần thiết tránh bị lạc đường và cả những cách tự vệ khi gặp chuyện không may. Đã 59 tuổi, nhưng gần gũi với học trò, được dạy các em từ những điều nhỏ nhất nên nụ cười cứ hiện hữu trên môi người giáo viên coi nghề nghiệp là hạnh phúc.

Phụ huynh của học sinh Vàng Văn Dương – học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Mường Lèo chia sẻ: Thầy Xuân đã gắn bó với bà con Sốp Cộp nhiều năm. Thầy giáo không chỉ dạy học sinh biết chữ, biết tính toán mà còn “trông em” cho trò của mình được đi học. Chúng tôi trân trọng và quý mến thầy như người thân trong gia đình. Hè này, tôi không phải lo con lang thang không người trông nom, bởi các con đã được lên lớp thầy Xuân học thêm điều cần thiết cho cuộc sống.

 


Ngọc Trang


Lượt xem: 537
Nguồn:thcstthahoa.phutho.edu.vn Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 69
Hôm qua : 62
Tháng 04 : 782
Năm 2024 : 14.601